Bạn có đang Hạnh Phúc không ?!
Đã rất lâu rồi không ai hỏi bạn như thế đúng không? Vì tất cả những điều người khác thực sự muốn biết về bạn là thu nhập của bạn bao nhiêu, bạn đã chia tay chưa, tại sao bạn độc thân, khi nào thì sẽ kết hôn, khi nào thì sẽ sinh con sao cứ nói hoài mãi vậy mà chưa thấy có,…
Và nhiều khi, họ hỏi cũng chỉ để hỏi vậy thôi chứ chắc gì câu trả lời đã khiến họ thoả mãi. Hỏi cũng chỉ vì tò mò xem cách mà bạn sẽ trả lời thế nào chứ đâu phải là sự quan tâm. Thậm chí có những người chỉ muốn hơn thua, so sánh và trông chờ một đáp án rằng bạn đang bất ổn ở một khía cạnh nào đó sẽ khiến họ được an ủi phần nào…
Bạn đã mạnh mẽ quá lâu rồi đúng không?!
tới nỗi chỉ cần ai đó hỏi thăm bạn thì ngay lập tức não của bạn bật chế độ phòng vệ rằng họ đang tấn công vào phần yếu đuối, bất ổn nhất mà bạn đang chịu đựng. Để tự dưng được hỏi thăm thôi mà đã bật khóc thành tiếng rồi.
Bạn còn nhớ những ngày còn bé không?!
Ngày mà từng cánh hoa phượng vĩ rớt xuống sân trường xoay thành chiếc chong chóng đỏ rực trong gió cũng khiến cho bạn mơ mộng, ước mơ lớn lên mình sẽ trở thành một người thế này, mình sẽ làm những chuyện vĩ đại thế kia. Rồi đến khi thực sự lớn rồi, sắm cho mình bao nhiêu hành trang về kiến thức, đắp lên mình bao nhiêu nguyên liệu để có thể biến những ước mơ cháy bỏng đó trở thành hiện thực. Thì lại chọn những điều bản thân đã từng ghét nhất để làm.
Ngày đó, bạn đâu có hiểu tất cả mọi giấc mơ đẹp đẽ long lanh đến thế nào cũng có một mối liên hệ mật thiết đến tiền đâu. Và mọi mối quan hệ trừ tình mẫu tử của mẹ dành cho bạn ra thì tất cả đều cần cho nhau một lợi ích nào đó. Nếu không phải là lợi ích kinh tế thì chắc chắn cũng phải là lợi ích tinh thần. Ngay cả khi bạn nói bạn yêu một ai đó thì bạn có chắc là nếu họ không đáp lại tình cảm của bạn, bạn sẽ ổn không ?!
Đấy, ngay cả thứ đẹp như tình yêu bạn còn chẳng thể cho không một ai đó (Sự thật là bạn chưa học đươc cách cho không, hoặc là bạn đâu có đủ đầy yêu thương để cho đi như thế !), thì làm sao những mối quan hệ khác lại không có sự qua-lại được. Nhưng đó cũng chính là quy luật vận hành tự nhiên của cuộc sống. Muốn cho đi thì phải có mới cho được chứ, bạn công nhận không ?!
Thế là lúc bé bạn cứ nghĩ cuộc sống toàn màu hồng, chẳng cần phải nỗ lực làm những việc mình không thích, thậm chí là ghét mà chỉ cần làm những việc mình thích thôi. Rồi khi lớn lên, bạn nhận ra đứa trẻ hồi nhỏ với những giấc mơ cháy bỏng như chiếc chong chóng đỏ rực ấy phải biết sống thực tế. Để được làm việc mình đam mê phải trải qua nhiều việc bản thân thấy chán ghét, phải kiếm sống, phải lam lũ, phải chật vật cơm áo gạo tiền – làm gì có ai thích đâu! Để yêu thương một ai đó bằng trực giác và cảm xúc thật cũng phải lấp cho đủ đầy một trái tim nhân hậu, lòng bao dung và học cách Hiểu cách Thương…
Đôi lúc nhìn lại quãng đường mình đã đi qua, chắc chắn sẽ thấy hoang hoải và tự vấn bản thân đôi lần rằng, liệu mình có lựa chọn đúng hay không?
Thật ra, chẳng có lựa chọn nào là đúng hoàn toàn cả. Chỉ có chúng ta cố gắng khiến lựa chọn ấy trở thành tốt nhất mà thôi.
Có lẽ khi đọc những dòng này, bạn đang rất mệt mỏi, bạn muốn từ bỏ, bạn muốn mặc kệ tất cả. Vậy nên, tôi muốn kể cho bạn nghe một câu chuyện có thật về nhà sáng lập (founder) của Apple.
Trong bài phát biểu cuối cùng trước công chúng trước khi qua đời, Jobs đã chia sẻ về một trải nghiệm mà ông đã trải qua.
Năm 1972, Jobs bỏ học đại học vì không thích những môn học bắt buộc ở đại học. Nhưng ông không bỏ học hẳn mà trở thành học sinh dự thính, đi nghe các lớp thư pháp và hội họa mà mình quan tâm. Vào thời điểm đó, ông không mong đợi các khóa học sẽ mang lại tác dụng thực tế nào.
10 năm sau, ông gặp khó khăn khi thiết kế giao diện người dùng cho máy tính Apple. Các cấp dưới đưa ra nhiều phương án thiết kế khác nhau nhưng sau khi đọc xong, ông cứ mãi luôn cảm thấy không hài lòng. Ông bỗng nhiên nhớ lại những kiến thức thư pháp đã học và tích hợp chúng vào thiết kế, sau cùng tạo ra một giao diện người dùng và typesetting đẹp mắt và độc đáo.
Jobs cảm thán: “Khi tham gia những lớp học đó, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng kiến thức này thực sự có thể giúp mình trong việc thiết kế giao diện máy tính cá nhân tốt như vậy.”
Sau khi đọc câu chuyện này về Steve Jobs, tôi nhớ đến một lý thuyết có tên “Lý thuyết gạch nung”. Nhìn những viên gạch thô kệch, nhưng qua thời gian tôi luyện, những viên gạch ấy sẽ trở thành “mắt xích” để xây nên những toà nhà kiên cố, vững chãi, lộng lẫy.
Trên thực tế, dù là câu chuyện của Jobs hay những viên gạch được tôi luyện, chúng đều là kết quả của quá trình tích lũy trước đó.
Nhà văn Fitzgerald từng nói: “Mọi điều bạn học được, mọi khó khăn bạn gặp phải, sẽ phát huy tác dụng vào một lúc nào đó trong cuộc đời bạn.”
Những chuyện tích cực đã đến với bạn bởi vì bạn đã biết đi qua những ngày bế tắc. Những thành tựu bạn đạt được cho đến hiện tại bởi vì bạn đã tự mình chứ không ai khác xuyên thủng qua mọi thử thách và khó khăn.
Vậy nên, bạn đã rất hạnh phúc rồi.
“Chỉ cần bạn ghi nhận rằng mình hạnh phúc là đủ, bạn không cần người khác phải ghi nhận” – Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói như thế và bạn có công nhận rằng cứ phải chạy theo đánh giá của người khác về mình cũng như việc bạn đánh rơi cây kim ở trong nhà nhưng lại cố gắng đi tìm ở ngoài sân không ?!
Tôi tin rằng mọi lời thăm hỏi của mọi người dành cho tôi đều là thành ý chân thành. Ngay cả khi câu trả lời có thế nào cũng không làm thoả mãn người hỏi thì hành động thăm hỏi nhau cũng đã rất đẹp rồi…Không nên nghi ngờ hay khoác cho nó một định nghĩa nào khác.
Bởi vì tôi tin tưởng vào sự tốt đẹp luôn luôn tồn tại dù ít hay nhiều thì nó vẫn luôn tồn tại. Những phản ứng dù là tích cực hay tiêu cực sẽ tuỳ vào từng giai đoạn và cảm xúc mà bạn đang mang. Cho nên, tôi chọn tin tưởng…vì thế tôi có sức mạnh. Tôi có sức mạnh nghĩa là tôi Hạnh Phúc. Bạn cũng chọn như vậy, đúng không ?!
Believed
Add A Comment